JESUS KHÔNG CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ

Đức Jesus Không Chết Trên Thánh Giá

 



Từ sau thế chiến thứ hai, một số khám phá của khảo cổ học đã khiến có nhiều nghi vấn về cuộc đời đức Jesus, cả trước và sau khi trên thập tự:

*  Năm 1945 một số cổ thư tìm được ở Ai Cập, trong đó có sách của tông đồ Thomas cho nhiều chi tiết về đức Jesus sau khi đóng đinh. (1)

*  Năm 1948 cổ thư lại đựợc tìm thấy ở Biển Chết, thuộc giáo phái Essenes, mà dựa vào đó người ta có thể soi sáng vài điều về thân thế của ngài. (2)

*  Công cuộc khảo cứu sâu rộng kinh sách Ba Tư, Hồi giáo, Ấn Độ, Tây Tạng đều cho thấy đức Jesus đã từng qua Ấn Độ trong những năm trưởng thành khoảng từ 13 – 29 tuổi, cũng như sau khi sống lại. (3)

Dựa trên những tài liệu này, tác giả Holgen Kersten đi tới những nơi được cho là đức Jesus đã từng ghé qua, và đúc kết sự tìm hiểu bằng kết luận là sau khi đóng đinh, đức Jesus đã lên đường sang Syria, Thổ, Ba tư, A phú Hãn, Ấn độ tiếp tục giảng đạo, và cuối cùng qua đời tại Kashmir. Sự kiện cho thấy là tại vùng Taxila của Pakistan gần biên giới Kashmir có ngôi mộ đức Mary, và trong khu phố cổ của Srinagar, thủ phủ của Kashmir, có ngôi mộ đức Yuz Asaf (tên Hồi giáo của đức Jesus). (4)

Giả thuyết của Kersten được chia làm ba phần:

–  Bối cảnh lịch sử vào thời đức Jesus: sự liên hệ của ngài với giáo phái Essenes.

–  Quãng đời của ngài bị bỏ quên hoàn toàn trong phúc âm, từ năm 12 đến năm 29 tuổi.

–  Hoạt động của ngài sau khi bị đóng đinh.

● Bối Cảnh Lịch Sử.

Năm sinh thật của đức Jesus không ai biết, nhưng chắc chắn  đó không phải là năm thứ nhất của tây lịch, mà có thể là năm thứ năm hay thứ ba trước tây lịch. Vào lúc ấy Do Thái giáo có ba hệ phái với ảnh hưởng lớn lao là Pharisees, Sadduccees và Essenes. Bạn nào hay đọc phúc âm sẽ nhớ đức Jesus quở trách hai hệ phái đầu tiên nhiều lần, đó là những nhà thông giáo, luật sĩ chủ trương theo sát từng chữ của kinh điển, hay kẻ giả hình thờ phượng thần của cải thay vì là Thượng đế. Điều làm các sử gia ngạc nhiên là hoàn toàn đức Jesus không nhắc nhở gì đến hệ phái thứ ba là Essenes. Người ta không tìm thấy một lời nào của ngài về hệ phái ấy, không một lời phê bình nào trong phúc âm. Việc cố tình lãng quên ấy có nhiều lý do, có thể ngài tán thành đường lối của phái Essenes, hay quan trọng hơn là ngài thuộc phái ấy. Ông Hodson cho rằng trong ba năm giảng đạo, đức Jesus đã ở với phái Essenes hai năm và chỉ giảng cho công chúng vào năm thứ ba. So lối sống và kinh điển của phái Essenes với đức Jesus, người ta thấy có nhiều điểm tương hợp cũng như tương phản:

–  Phái Essenes chấp nhận thuyết luân hồi, đức Jesus cũng nhắc tới thuyết này trong phúc âm.

– Phái Essenes không ăn thịt, kinh thánh khi được dịch đúng đắn cũng gợi ý đức Jesus cử thịt. Tưởng cần nói rõ là khi dịch kinh thánh từ tiếng Hebrew hay Hy Lạp sang tiếng Anh, Pháp đã có việc giáo hội Thiên chúa giáo cố tình dịch sai, cố ý bỏ bớt hay thay đổi lời văn, thêm thắt chuyện không có thật. Thí dụ kinh thánh ghi đức Jesus ăn cá trong khi nguyên bản Hy Lạp ghi “bánh mì hình cá". Đây chỉ là một thí dụ trong rất nhiều trường hợp khiến có nhu cầu xét lại các bản dịch đang được lưu hành.

– Kinh Hy Lạp ghi đức Jesus là người Nazarene, bản Anh văn sửa thành “là người từ Nazareth" và như vậy có ý nghĩa khác hoàn toàn vì:

  1/ Trước hết chữ Nazarene không thể được dịch là “từ Nazareth", vì tự điển về kinh thánh nhìn nhận rằng hai chữ không có liên hệ gì. (4)

2/ Có chứng cớ rằng Nazarene là một chi của hệ phái Essenes, và đã hiện hữu ít nhất 150 năm trước khi đức Jesus ra đời.

– Cổ thư tại Biển Chết (Dead Sea Scrolls) cho thấy phái Essenes chịu ảnh hưởng của Phật giáo và tư tưởng Veda, cũng như vào lúc đức Jesus sinh ra, tại thành phố Alexandria của Ai Cập đã có các sư Phật giáo tới truyền đạo và lập thất. Bởi vậy rất có thể trong thời gian đức Jesus cùng cha mẹ lánh nạn qua Ai cập, ngài đã theo học triết lý đông phương từ các vị sư này với kết quả là khi trở về Do thái lúc 12 tuổi, ngài đủ sức biện bác với các giáo sĩ tại đền thờ Jerusalem. Ảnh hưởng Phật giáo cũng được tìm thấy trong những bài giảng sau này của đức Jesus.

● Quãng Đời Bỏ Quên từ năm 12 đến 29 tuổi.

Phúc âm không nói gì đến quãng đời thành niên này của đức Jesus, nhưng nhiều người  tìm thấy tại tu viện Phật giáo Tây tạng tại Leh, thủ đô Ladakh trong vùng Kashmir và trong những tu viện lớn tại Lhasa của Tây tạng, các bản văn ghi về hoạt động của đức Jesus trong thời gian ấy. Bản chính nằm ở nội địa Tây tạng, phó bản nằm ở tu viện Himis tại Leh bằng tiếng Nam Phạn (Pali) ghi rằng:

Năm 14 tuổi thiếu niên Issa (tên Ả Rập của đức Jesus) đến châu thổ sông Ấn (Indus) cùng với các thương gia. Cậu học hỏi giáo lý đức Phật, đi qua tỉnh Punjab rồi đến Jagannath và được các giáo sĩ Bà la môn đón tiếp. Ở đó cậu học kinh Veda rồi giảng dạy cho người ở giai cấp thấp làm phật lòng các giáo sĩ. Trong 6 năm cậu đi qua Beneres cùng nhiều thánh địa và phải lẩn tránh các giáo sĩ, vì họ giận dữ với lời giảng của thanh niên. Issa phản đối sự phân chia giai cấp tại Ấn lúc ấy, và dạy rằng Thượng đế yêu thương mọi người như nhau.

Từ Ấn độ Issa đi qua Nepal, ở đó 6 năm học hỏi kinh điển Phật giáo, tiếp tục giảng dạy vạch rõ sự giả dối của việc phân chia giai cấp và thối nát của hàng ngũ giáo sĩ, sau đó ngài đi về hướng tây. Giáo sĩ Ba Tư tranh luận cùng ngài và đánh đuổi ngài ra khỏi nước, Issa khi ấy về Palestine. (5)

Ngoài tu viện Himis, tác giả Kersten năm 1979 đến đại hoc Kashmir và khám phá nhiều tài liệu được lưu trữ tại đó, cho thấy việc đức Jesus đã ngụ tại Ấn độ trước và sau khi đóng đinh có thể là một sự thực.

● Đức Jesus tại Ấn Độ.

Sách vở Ba tư ghi rằng sau khi chịu đóng đinh trên thập tự giá, đức Jesus hồi sinh và lên đường qua Syria, ngài đến ngụ tại Damascus, thủ đô Syria hiện giờ. Ở đó ngài được lời mời của vua xứ Nisibis gần Edessa (thuộc Thổ, sát biên giới Syria) sang chữa bệnh, ngài nhận lời và cho tông đồ Thomas đi trước, còn ngài cùng mẹ theo sau. Cho đến ngày nay chuyện ngài đã tới ở vùng đông nước Thổ sau khi sống lại, vẫn còn được truyền tụng trong các bộ lạc người Kurd ở phía đông bình nguyên Anatolia.

Theo sách Công vụ thánh Thomas, đức Jesus tái ngộ cùng tông đồ Thomas tại Iskilip (cực bắc của Anatolia) và trải qua nhiều biến cố, chót hết đức Jesus đến Kashmir 16 năm sau khi bị nạn. Nhiều sách vở nói về thời gian ngài ở Ba tư, và tại thị trấn Mari của Pakistan gần Kashmir, có một ngôi mộ ngày nay vẫn được dân chúng bảo trì và chiêm bái, gọi là “nơi an nghỉ cuối cùng của Đức Mẹ Mary”. Điểm đặc biệt của ngôi mộ là nằm theo hướng đông - tây, trong khi Pakistan theo Hồi giáo và người Hồi đặt mộ theo hướng bắc - nam. Đã có nhiều tranh chấp quân sự và chính trị trong vùng này, nhưng qua bao thay đổi ngôi mộ vẫn được giữ yên lành và trùng tu vào năm 1950.

Cổ thư ghi tên đức Jesus bằng nhiều cách, và một trong những danh hiệu là Yuz Asaf (Josephat), ngài giảng đạo sâu rộng trong Ba Tư và tại một số vùng của Ba Tư cũng như ở A phú hãn, ngài mang danh hiệu này và dân gian vẫn còn truyền tụng là ngài đã từng ở các nơi ấy.

Vẫn theo Công vụ thánh Thomas, ngài và Thomas đến Taxila ở Pakistan vào năm 47 sau tây lịch. Về thời gian đức Jesus ở tại đây, sách Purana (kinh điển Ấn) cuốn thứ 9 viết vào thế kỷ thứ năm (Bahavishyat Maha Purana), có ghi nhiều chi tiết không thể ngờ vực được. Ngài không ở một chỗ mà đi giảng nhiều nơi nhưng hay trở về Kashmir. Kinh Koran Hồi giáo ghi ngài thọ 120 tuổi và qua đời tại Kashmir, hiện nay vẫn còn ngôi mộ mang tên “Mộ của Chân Sư Yuz Asaf", nằm ở khu phố cổ  trong thủ đô Srinagar của Kashmir, và mỗi năm khách hành hương thuộc mọi tôn giáo đều tới chiêm bái. Ngôi mộ được bảo trì từ rất lâu, và quanh mộ có xây một nhà mồ để che chở vào năm 112.

Đặc điểm ngôi mộ này là cũng nằm theo hướng đông -  tây của người Do thái trong khi đây là vùng Hồi giáo, và trên ngôi mộ có khắc hai bàn chân với dấu đóng đinh thật rõ, khiến người ta không còn hồ nghi chút nào về thân thế người nằm trong mộ.

Tạm Kết.

Theo tác giả Kersten, chữ Yuz Asaf hay Josephat chỉ là một biến thể của chữ Bodhisattva, và cho thấy người xưa đã nhận biết rõ vai trò của đức Jesus, coi ngài là hiện thân của một vị Bồ tát (đức Chúa) xuất hiện để cứu độ chúng sinh. Quan niệm trên xác nhận lại hiểu biết do MTTL đưa ra, là Thiên chúa giáo cũng như các tôn giáo lớn phát xuất từ một nguồn duy nhất. Tới đây tình cờ người viết đọc trong một tác phẩm khác (6) đưa ra giả thuyết là đức Jesus trải qua những ngày cuối đời tại miền Bắc nước Nhật, làng Herai (biến thể của chữ Hebrew) quận Aomori, có kèm nhiều hình ảnh và chứng cớ ! Có lẽ chưa tới lúc cuộc đời đức Jesus được xác định rõ ràng, nên ai có ý tìm hiểu có lẽ sẽ phải tự mình rút ra một kết luận từ những nguồn tài liệu khác nhau.

Sách tham khảo và đề nghị:

1.  Klijn,  A. F.  “The Act of Thomas", 1962.
2.  Những sách về cổ thư tại Biển Chết (Dead Sea Scrolls).
3. Kinh Koran, sách Puranas, văn kiện tại chùa Himis (tại Leh, Kashmir).
4. Kersten, Holgen.  “Jesus lived in India", 1986.
5. Báo “Die Stern", số 16 năm 1973.
6. Tebecis, A. K. “Mahakari", 1982.  Prophet, E. C. “The Lost Year of Jesus", 1984.